Nên định hướng nghề nghiệp trước tuổi 17

Ở Việt Nam, khi trẻ tròn 1 tuổi sẽ được tổ chức lễ thôi nôi. Trong ngày thôi nôi, những đồ vật tượng trưng cho ngành nghề được bày ra để trẻ lấy ngẫu nhiên. Cha mẹ sẽ căn cứ vào đồ vật đó mà đoán nghề nghiệp tương lai cho trẻ. Qua một nghi thức dân gian, có thể thấy rằng việc định hướng nghề nghiệp đã có từ rất sớm. Nhưng lại chưa được thực hiện một cách khoa học. Hướng nghiệp là bước đầu tiên trong tổ hợp các giai đoạn lập nghiệp của một con người. Các giai đoạn đó gồm: hướng nghiệp – chọn nghề – học nghề – hành nghề.

Tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp

Không ai sống mà không làm việc cả. Bạn chỉ đang sống khi bạn tạo ra giá trị cho bản thân và cộng đồng. Chọn cho mình một nghề và làm nghề là cách bạn tạo ra giá trị đó.

Rất nhiều sinh viên trong quá trình học tập ở trường Đại học rồi mới nhận ra mình thực sự không phù hợp với ngành. Có những bạn thì nhận ra sớm hơn. Nhưng có những người học đến năm 2, năm 3 thì mới nhận ra. Nhận ra càng muộn càng khiến bạn khó có cơ hội để quay lại. Và làm một nghề bạn không thích càng khiến nguy cơ bỏ việc, thất nghiệp tăng cao.Tỉ lệ người thất nghiệp càng cao khiến nền kinh tế càng trì trệ.

Định hướng nghề nghiệp - việc quan trọng nên làm trước tuổi 17
Hướng nghiệp tốt để giảm nguy cơ thất nghiệp

Việc định hướng nghề nghiệp sớm sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình học nghề. Hơn nữa, bạn sẽ dễ dàng xác định được mục tiêu học tập, có phương pháp rõ ràng và động lực để phấn đấu tốt hơn.

Vì sao cần định hướng nghề nghiệp trước tuổi 17?

Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018 chia chương trình giáo dục phổ thông thành 2 giai đoạn. Bao gồm: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Đối với cấp học THPT, mục tiêu giáo dục là tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động đã được hình thành từ cấp tiểu học và THCS. Nhưng đây chưa phải là mục tiêu chính. Mục tiêu lớn nhất là để HS có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

Định hướng nghề nghiệp - việc quan trọng nên làm trước tuổi 17
Cần nhiều thời gian mới có thể định hướng nghề nghiệp

Định hướng nghề nghiệp là cả một quá trình

Theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam thì sau khi tốt nghiệp THCS, HS có thể lựa chọn giữa Trung học PT và Trung học Nghề. Đa phần những học sinh học chương trình Trung học Nghề thì đều được định hướng nghề nghiệp từ gia đình hoặc nhà trường. Một phần vì sức học của các em học sinh này không thể đáp ứng chương trình THPT. Một phần vì độ tuổi của các em chỉ vào khoảng 14-15 tuổi nên việc tự lựa chọn hướng đi cho tương lai sẽ có phần khó khăn.

Đối với học sinh học chương trình THPT thì đây là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Vào cuối cấp học, khi đang ở lứa tuổi 17 hoặc vừa tròn 18, các em sẽ được điền nguyện vọng của mình vào Phiếu đăng ký dự thi thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học. Đây chính là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Nhưng để xác định nghề nghiệp phù hợp cần một quãng thời gian khá dài. Để biết bản thân giỏi gì, mạnh gì hay thích gì là cả một quá trình. 3 năm THPT chưa hẳn là khoảng thời gian đủ để có thể định hướng nghề nghiệp bản thân. Vì vậy định hướng nghề nghiệp càng sớm sẽ giúp các em có sự lựa chọn chính xác vào năm 17, 18 tuổi.

 

Những yếu tố góp phần định hướng nghề nghiệp

Gia đình

Nhiều phụ huynh có ý thức trong việc định hướng nghề nghiệp cho con từ rất sớm. Giai đoạn trẻ hình thành tư duy và nhân cách tốt nhất là từ 0-6 tuổi và kéo dài đến năm 14 tuổi. Khoảng thời gian sau lứa tuổi đó là để bồi dưỡng tư duy và nhân cách đã hình thành. Các phụ huynh thuộc thế hệ hiện đại đang dần chú ý đến yếu tố này để định hướng nghề nghiệp cho con.

Định hướng nghề nghiệp từ sớm cho con là quan tâm đến sự hình thành và phát triển tư duy của trẻ. Để trẻ được theo thiên hướng của mình trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Nhưng một số người lại đang nhầm lẫn từ định hướng thành áp đặt nghề nghiệp đối với con cái họ. Dựa vào truyền thống gia đình, xu hướng phát triển của thị trường lao động,… nhiều gia đình đã bỏ qua sở thích, nguyện vọng của con mà đưa con vào một cái khuôn đóng sẵn.

Không thể phủ nhận rằng, ở lứa tuổi của bố mẹ thì sẽ có cái nhìn sâu rộng hơn con cái. Nhưng việc định hướng nghề nghiệp cũng cần một số kiến thức xã hội. Mà không phải phụ huynh nào cũng có đủ kiến thức để tư vấn cho con mình. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng con mình còn non trẻ nến sẽ đưa ra quyết định không sáng suốt. Nhưng đừng quên rằng cha mẹ không thể sống thay cuộc đời của con trẻ, nên hãy để mỗi người tự đưa ra lựa chọn cho chính mình. Nếu thấy lựa chọn của con tiềm ẩn nhiều rủi ro, hãy phân tích và góp ý chứ đừng áp đặt.

Nhà trường

Là nơi thực hiện công tác giáo dục, nhà trường giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho HS. Chính phủ đã cụ thể hóa công tác giáo dục hướng nghiệp bằng các văn bản như: Quyết định 126/CP về “Công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông và việc sử dụng hợp lý học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông tốt nghiệp ra trường”; Nghị định 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục. Các tiết học hướng nghiệp đã được lồng ghép trong chương trình dạy học từ cấp THCS.

Tuy nhiên công tác hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay chưa được thực hiện hiệu quả. Đội ngũ tư vấn nghề nghiệp cho HS thường là giáo viên chủ nhiệm hoặc là các giáo viên bộ môn kỹ thuật. Họ chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ hướng nghiệp cho HS. Quy mô tư vấn lại thường rất lớn, toàn trường hoặc một khối lớp nên chưa thực sự nắm bắt được những thắc mắc về ngành nghề của học sinh.

Xu hướng xã hội

“Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa” là một quan điểm chọn trường đã tồn tại khá lâu dựa trên xu hướng xã hội. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới, có rất nhiều ngành nghề ra đời theo nhu cầu của xã hội. Để có thể làm nghề nào đó thì bạn cần một khoảng thời gian đào tạo tối thiểu 2 năm. Các xu hướng ngành nghề lại không ngừng vận động và thay đổi qua từng năm. Vì vậy để chọn nghề theo xu hướng, phải có sự phân tích kỹ lưỡng.

Lấy ví dụ là ngành du lịch. Vào năm 2019, ngành du lịch nước ta phát triển mạnh mẽ, mọi chỉ số tăng trưởng đều ở mức dương. Cơ hội việc làm ngành du lịch là rất lớn. Nhưng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Tính đến tháng 03/2020 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành du lịch rơi vào nốt trầm lớn nhất kể từ năm 1950. Không chỉ du lịch mà nhiều ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng. COVID-19 lại là nguyên nhân khách quan mà khi phân tích xu hướng ngành nghề khó ai lường trước được. Vậy nên mọi dự đoán xu hướng cũng chỉ mang tính chất tham khảo mà thôi.

Bản thân người được định hướng

Sức khỏe

Đây là điều kiện đầu tiên ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp. Bạn phải đáp ứng các chỉ tiêu sức khỏe nếu lựa chọn các ngành như phi công, công an, cảnh sát, bộ đội,…
Một số ngành như xây dựng, du lịch, kỹ thuật,… không yêu cầu sức khỏe khi đầu vào nhưng lai là tiêu chí để bạn duy trì quá trình làm việc

Sở thích

Sở thích là yếu tố được cân nhắc rất nhiều khi chọn nghề. Sở thích là những thứ khiến bạn cảm thấy vui vẻ. Là những việc bạn thường làm khi có thời gian rỗi. Sở thích không nhất thiết phải tạo ra giá trị. Nhưng sẽ thật tuyệt vời nếu bạn tạo ra được giá trị dựa trên sở thích của mình.

Thiên hướng

Thiên hướng trong tiếng Anh là Vocation, xuất phát từ “Vocare” trong tiếng Latin, mang nghĩa là “tiếng gọi”. Bạn không cần phải cố gắng để đạt được thiên hướng. Mà đó là thứ tồn tại một cách tự nhiên trong bản thể của mỗi con người. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái và tràn đầy sinh khí khi được làm việc đúng với thiên hướng của mình. Ghét bạo lực có thể là một thiên hướng. Yêu thiên nhiên, động vật, quan tâm đến người khác cũng là thiên hướng. Bạn có thể xem đây là một nền tảng để định hướng nghề nghiệp bản thân.

Tố chất, năng khiếu

Tố chất là yếu tố cơ bản trong mỗi con người. Năng khiếu là tiềm năng bẩm sinh ở một lĩnh vực nào đó. Tố chất và năng khiếu nếu được phát hiện sớm và bồi dưỡng đúng cách thì sẽ là tiền đề thuận lợi cho công việc sau này. Ngược lại, nếu ỷ lại vào 2 yếu tố này mà không bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì chúng sẽ dễ dàng mất đi.

Các cách định hướng nghề nghiệp cho bản thân

Để chọn trường, chọn ngành thì rất dễ. Nhưng để chọn được ngành phù hợp thì trước tiên phải xác định được nghề nghiệp mà mình muốn theo đuổi. Có thể sắp xếp các bước thành một quy trình: Nghiệp → Nghề → Ngành → Trường. Ví dụ bạn muốn gắn bó với sự nghiệp viết lách, bạn có thể chọn cách nghề như nhà báo, nhà văn, blogger,…Trên cơ sở đó, bạn có thể đăng kí các ngành như Báo chí, Truyền thông, Văn học,… Dựa vào năng lực, khả năng kinh tế,… bạn sẽ có sự so sánh và cân nhắc giữa các trường có đào tạo ngành bạn mong muốn. Vậy làm thế nào để biết định hướng được nghề nghiệp cho bản thân? hcmjob.vn gợi ý cho bạn một số cách sau đây.

Làm các bài Test

Để giúp ích cho quá trình hướng nghiệp, các bài kiểm tra về sở thích, tính cách, hành vi được ra đời. Có rất nhiều bài Test được các chuyên gia soạn thảo trong các công trình nghiên cứu của họ. Có 3 loại Test phù hợp với lứa tuổi học sinh THPT là MBTI, MI test và 360.

Định hướng nghề nghiệp - việc quan trọng nên làm trước tuổi 17
Các bài test như là kim chỉ nam trong việc hướng nghiệp

Xác định lĩnh vực mà bạn thuộc về

Hãy lắng nghe bản thân bạn trước khi nhận sự tư vấn từ các nguồn khác nhau. Những bạn học lệch sẽ dễ xác định mình thuộc về lĩnh vực nào hơn những bạn học đều tất cả các môn. Hãy làm điều này trước khi chọn khối ngành (A, B, C, D, H,…). Tốt nhất là vào khoảng năm lớp 10 THPT . Vì bạn sẽ có thời gian để theo đuổi xem mọi thứ có ổn không. Bạn có thể chuyển khối ngành ngày khi cảm thấy không chắc chắn.

Thử trải nghiệm.

Có những bạn dựa vào sở thích để chọn nghề. Nhưng sở thích không phải là thứ bất biến. Theo thời gian, tuổi tác, môi trường,… sở thích có thể bị tác động và thay đổi. Để biết mình làm được gì và có gắn bó được hay không, bạn cần có khoảng thời gian để trải nghiệm. Nghề mà bạn chọn nên dung hòa được các điều kiện: điều bạn thích, điều bạn giỏi, điều mà xã hội cần.

Định hướng nghề nghiệp - việc quan trọng nên làm trước tuổi 17
Lý thuyết con nhím được ứng dụng trong hướng nghiệp

Xem bản đồ sao, tử vi, thần số học,…

Đây là một phương pháp nghiêng về duy tâm một chút. Tuy nhiên không thể hoàn toàn phủ nhận công dụng của nó trong việc định hướng con người. Từ chuyện tình cảm, gia đình cho đến nghề nghiệp. Khi cảm thấy quá bế tắc, bạn có thể dùng cách này để tham khảo. Đừng đóng khung bản thân hoàn toàn trong đó.

Kết

Định hướng rõ ràng ngay từ ban đầu sẽ giúp bạn có hình dung về tương lai tốt hơn. Đừng để bản thân bị mất phương hướng khi thị trường lao động có những biến động. Nếu đã xác định được công việc bạn muốn theo đuổi thì hãy kiên trì. Làm việc bằng trách nhiệm, đam mê, tinh thần học hỏi thì mới có thể mang sự nghiệp của bạn tiến xa hơn.

Gửi CV có ngay việc làm